Nghiên cứu Khoa học phục vụ Đào tạo của Khoa Hoá học & CNTP (29/11/2012)

Nhận rõ tác dụng tích cực của nghiên cứu khoa học đối với công tác đào tạo, khoa Hóa Học & CNTP rất coi trọng việc Nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên.

 Đặc biệt đối với sinh viên, tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ được trau dồi kiến thức, rèn luyện tư duy mà còn hoàn thiện nhân cách. Thông qua Nghiên cứu khoa học sinh viên sẽ rèn luyện được nhiều kỹ năng quan trọng cho cuộc sống, cho nghề nghiệp sau này. Bởi vậy, số sinh viên được thu hút vào Nghiên cứu khoa học và số đề tài ngày một tăng, năm sau nhiều hơn năm trước.

 

Dưới đây là 2 trong số nhiều gương mặt tiêu biểu của khoa mà chúng tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc. Đó là cô giáo TS. Đặng Thị Hà tại hội nghị các nhà khoa học trẻ toàn quốc và sinh viên Trần Thị Xuân Phương lớp DH08H1 mới tốt nghiệp ra trường năm 2012.
 
Hình ảnh tác giả TS Đặng Thị Hà tại Hội nghị
 
Ngày 03-04 tháng 11 vừa qua, Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu đã cử Tiến sĩ Đặng Thị Hà, khoa Hóa học và CNTP đi tham dự Hội nghị các nhà Khoa học trẻ lần 2 trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên tại Do Trung ương Đoàn TNCSHCM và Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây là hội nghị được tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần nhằm quy tụ tất cả các nhà khoa học trẻ (tuổi đời dưới 40) của các trường Đại học và Viện nghiên cứu trên cả nước. Tại hội nghị lần này, đã có hơn 280 bài tham gia trong tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong số đó 170 bài có chất lượng tốt đã được phản biện để đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ của Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam và Hội nghị đã chọn ra được 20 bài để trình bày tại hội nghị. Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Thị Hà đã trình bày tại hội nghị công trình nghiên cứu “Đánh giá ô nhiễm Asen trên lưu vực sông Hồng: Quan trắc tần suất cao kết hợp với phân tích không gian bằng GIS”. Các kết quả chính thu được từ đề tài đã chỉ ra rằng hàm lượng As hòa tan và lơ lửng trong nước sông Hồng cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép đối với chất lượng nước mặt (QCVN 08:2008/BTNMT), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân sử dụng nguồn nước trên lưu vực. Đây sẽ là cơ sở để có các biện pháp và chính sách trong việc cải thiện, sử dụng và quản lý nguồn nước sạch đang ngày cạn kiệt trên lưu vực sông Hồng cũng như các nguồn nước khác trên cả nước.
 
Trong niên học 2011 – 2012, sinh viên Trần Thị Xuân Phương lớp DH08H1 khoa Hóa học & CNTP trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu được nhà trường chọn gửi đi làm đề tài tốt nghiệp tại phòng thí nghiệm Hóa lý khoa Hóa học trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh về một đề tài có triển vọng nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng mới thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt và thân thiện với môi trường.
 
Được sự hướng dẫn của thầy giáo TS. Trần Văn Mẫn trường ĐH Khoa học tự nhiên, sinh viên Trần Thị Xuân Phương cùng nhóm nghiên cứu đã tổng hợp được xúc tác Pt và Pd kích thước nano trên chất mang cacbon. Kết quả đã chứng tỏ xúc tác Pd rẻ hơn và có thể thay thế xúc tác Pt trong phản ứng oxy hóa điện hóa glyceron trong môi trường kiềm và là một vật liệu anod hứa hẹn trong pin nhiên liệu glyceron.
 
Kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại Hội nghị khoa học Quốc tế lần I về vật liệu nano dùng cho quá trình chuyển hóa năng lượng và pin nhiên liệu tổ chức ngày 21 – 22/8/2012 tại trường ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Hội nghị đã quy tụ được 70 báo cáo của các nhà khoa học nổi tiếng từ 12 nước trên thế giới, như: Việt nam, Mỹ, Pháp Nhật bản, Đan Mạch, Israel, Hàn quốc, Singapore.
 
PGS TS Nguyễn Văn Thông
                                                                 Trưởng khoa Hóa học và Công nghệ Thực phẩm

Hướng dẫn khai thác thư viện số